Sáng ngày 17/01/2019, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Phát biểu và chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam có thể trở thành con hổ, con rồng hay không chính là phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển đột phá của ngành Công Thương Việt Nam trong thời gian tới. Thủ tướng tin tưởng rằng toàn ngành Công Thương "chỉ có tiến và không có lùi" vì quyền lợi của dân tộc, vì đời sống của nhân dân.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sau nhiều năm đổi mới ngành Công Thương Việt Nam đã liên tục phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, và động lực quan trọng cho sự phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước, đặc biệt là những năm gần đây.
Bộ Công Thương đã xây dựng thể chế, tái cơ cấu đổi mới phương thưc quản lý với những bước đi vững chắc trong đó đặc biệt Bộ đã trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội ban hành một số Luật như Luật quản lý cạnh tranh, Luật quản lý xây dựng vật liệu nổ, Pháp lệnh Quản lý thị trường...
Thủ tướng biểu dương cao năm 2018, Bộ Công Thương đã cắt giảm đến 677/1216 điều kiện của 27 ngành nghề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ. Bộ Công Thương vẫn là Bộ đi đầu trong việc phát triển dịch vụ công trực tuyến, Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng 37 bậc, xếp thứ 27 thế giới và thuộc nhóm đầu ASEAN là điểm bất ngờ tiến bộ của Bộ Công Thương. Việt Nam là một trong những nước tự hào là chỉ số tiếp cận điện năng tốt nhất, tăng nhanh nhất.
Tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên và người lao động của Ngành Công Thương về những kết quả quan trọng mà Bộ đạt được trong năm 2018 đã góp phần quan trọng trong thành tựu chung của cả nước. Bộ Công Thương đã hết sức cố gắng, có nhiều cải cách mạnh mẽ, quyết liệt đồng hành với sự phát triển của ngành Công Thương nói riêng và các ngành kinh tế nước ta nói chung. Thủ tướng biểu dương đánh giá cao tập thể lãnh đạo Bộ, đứng đầu là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đoàn kết quyết tâm triển khai đồng bộ, chỉ đạo tập trung trọng điểm để thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện trong thời gian qua. Thủ tướng đánh giá cao nhiều địa phương trong cả nước, trước hết là các tỉnh, thành phố trọng điểm đã quyết liệt tổ chức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ.
Thủ tướng cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của Bộ Công Thương cần khắc phục trong thời gian tới như: tính chủ động trong công tác lập, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch; chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn có giá trị gia tăng cao ổn định; tổ chức thị trường trong nước còn nhiều bất cập, giải phóng mặt bằng tạo điều kiện sản xuất công nghiệp phát triển của các tỉnh chưa được quan tâm...
Thủ tướng biểu dương Bộ Công Thương trong vòng 3 ngày đã có chương trình hành động cụ thể triển khai Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ. Đây là một hành động quyết liệt, với hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp cụ thể...
Năm 2019, Thủ tướng giao cho ngành Công Thương 10 nhiệm vụ:
Thứ nhất, giải pháp quan trọng để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ là ứng dụng khoa học công nghệ. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số, công nghiệp 4.0 là vấn đề đặt ra rất lớn đi liền đó là nguồn nhân lực tốt để nâng cao năng suất lao động trong ngành công nghiệp từ điện lực cho đến hóa chất... phải tính toán lại để cơ cấu lao động hợp lý có năng suất cao. Muốn vậy đào tạo nguồn nhân lực phải trở thành vấn đề quan trọng, then chốt.
Thứ hai, tập trung giải quyết vấn đề thể chế, đổi mới phương thức quản lý nhà nước trong lĩnh vực theo hướng chuyển tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm tạo môi trường thông thoáng trong đầu tư phát triển.
Thứ ba, đổi mới công tác triển khai lập, thẩm định, trình duyệt và công bố quy hoạch trong ngành Công Thương theo quy định lập quy hoạch để không vì quy hoạch mà xảy ra tình trạng xin, cho hoặc chậm trễ.
Thứ tư, tập trung triển khai quyết liệt đạt hiệu quả cao nhất, định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030 một cách cụ thể để thực hiện Nghị quyết 23 ngày 23/3/2018 của Bộ Chính trị trong đó có việc tái cơ cấu, cấp chi phí năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ năm, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu thuộc ngành Công Thương một cách thực chất, chặt chẽ và hiệu quả.
Thứ sáu, tiếp tục xử lý tồn tại, yếu kém của Dự án thuộc ngành Công Thương theo đúng phương án, kế hoạch được giao.
Thứ bảy, tiếp tục xử lý một cách căn bản hơn các vấn đề về xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường ngoài nước. Đi liền với đó là vấn đề phòng vệ thương mại, hội đồng cạnh tranh phải được tăng cường, củng cố. Trong vấn đề thị trường cũng như trong sản xuất, Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò của Hiệp hội, ngành hàng. Thủ tướng yêu cầu phản ứng chính sách, điều chỉnh chủ trương một cách mau lẹ. Coi trọng công tác theo dõi, bám sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế từ đó có hững phản ứng kịp thời hơn. Thủ tướng đã thành lập tổ công tác trong đó Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm tổ trưởng cùng các Bộ Tài chính, Ngân hàng, Bộ Kế hoạch, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tư pháp... làm thành viên để phản ứng mau lẹ hơn với tình hình thị trường.
Thứ tám, đối với kinh tế vĩ mô, lưu ý tình hình hiện nay, diễn biến hàng ngày để chúng ta có đối sách tốt hơn, đừng để trì trệ, đi liền với đó là tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường, tạo lập môi trường lành mạnh, công bằng cho sản xuất, kinh doanh trong nước, trực tiếp góp phần vào nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Đặc biệt, thứ chín là triển khai có hiệu quả chiến lược phát triển thương mại trong nước đồng bộ về giải pháp, coi trọng nội dung nền kinh tế. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương không mất thị trường bán lẻ trong nước. Một yêu cầu khẩn thiết được giao cho Bộ Công Thương và các tỉnh là tổng kết chủ trương người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, đặc biệt Chính phủ đã phát động thêm chủ trương mới là phát động Hàng Việt Nam chinh phục hàng Việt Nam.
Thứ mười, tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí, kỷ cương, kỷ luật hành chính trong ngành, giám trách nhiệm nêu gương các cấp lãnh đạo trongBộ, ngành Công Thương theo phương châm hành động của Chính phủ, thực hiện tốt công tác cán bộ, cán bộ thực sự vì công việc, có bản lĩnh,sáng tạo đảm đương tốt nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chú trọng một số nội dung khác như: chú ý đến an toàn thực phẩm cho sản xuất và tiêu dùng trong nước và xuất khẩu một cách tuyệt đối, xử lý nghiêm kể cả xử lý hình sự những tổ chức, cá nhân vi phạm luật an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người tiêu dùng kể cả trong nước và ngoài nước. Các đồng chí ở các đơn vị thuộc Bộ phải tập trung thực thi nhiệm vụ có chương trình công tác cụ thể để thực hiện vượt mức các nhiệm vụ mà Bộ trưởng, Ban cán sự Đảng Bộ đã giao.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam có thể trở thành con hổ, con rồng hay không chính là phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển đột phá của ngành Công Thương Việt Nam trong thời gian tới. Với niềm tin và sự thành công liên tiếp trong ba năm vừa qua, Thủ tướng tin tưởng rằng toàn ngành Công Thương "chỉ có tiến và không có lùi" vì quyền lợi của dân tộc, vì đời sống của nhân dân.
Thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ và toàn thể người lao động ngành Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đối với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Bộ trưởng khẳng định, Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến chì đạo của Thủ tướng, cụ thể hóa trong kế hoạch hành động của toàn Ngành, nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời để trả lời về những câu hỏi, những yêu cầu mà Thủ tướng đặt ra cho ngành Công Thương.
Giấy phép kinh doanh số : 0304920055 cấp ngày : 05/04/2007 bởi Sở Kế Hoạch và Đầu Tư TP.Hồ Chí Minh
Người đại diện : ông Phạm Đình Chung